Chà là gì? Dỡ chà bắt cá ở miền Tây là như thế nào?
Chà là những nhánh cây chắc, chịu nước tốt như trăm bầu, me nước, tre… Trước khi dỡ chà từ một đến hai tuần, người dân sẽ tăng cường nhử cá, tôm. Nơi đặt chà thường là khúc sông gần bờ, có độ sâu khoảng vài mét. Dỡ chà bắt cá được xem là cách bắt cá độc đáo của người dân miền Tây. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, dồi dào tôm cá, nhiều người không cần bôn ba trên những khúc sông lớn mà chỉ làm “nhà” cho các loại cá, tôm trú ngụ. Đây giống như một kiểu nuôi trồng tự nhiên để dành, lâu lâu dỡ chà là đã có cả đàn cá đủ chủng loại, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa làm phong phú mâm cơm gia đình.
Hành trình du lịch miền Tây tự túc cùng gia đình, trải nghiệm bắt cá dân dã ở Đồng Tháp
Gia đình tôi chọn xứ Cao Lãnh, Đồng Tháp để khám phá hoạt động thú vị này. Đoàn chúng tôi 11 người gồm 3 gia đình và 1 hướng dẫn viên. Trước khi chuẩn bị đến ụ chà đã được cắm sẵn (đồng chà rộng khoảng 20m2), anh hướng dẫn viên có dặn dò kỹ lưỡng rằng, cá sông khi bị dồn vào đường cùng sẽ bơi sát bùn để chạy thoát. Vì thế nếu muốn thu được nhiều chiến lợi phẩm nhất, chúng ta cần phải lần viền chì sát đáy, sau đó dùng thanh trúc nhỏ để cố định lưới đáy cẩn thận. Đến nơi, xác định được đống chà cần dỡ, đầu tiên chúng tôi dùng lưới bao quanh hết đống chà và buộc lưới cố định vào những cây sào đã cắm sẵn từ trước. Trong lúc dỡ chà, anh hướng dẫn viên tâm sự về công việc này. Anh nói trước đây cá đồng nhiều, mỗi đợt dỡ chà cũng kiếm vài trăm ký. Giờ chỉ bắt được vài chục ký. Trước khi dỡ chà khoảng nửa tháng, để cá vô nhiều, anh thường trộn đất sét với thức ăn viên để dụ cá. Sau khi chúng tôi vòng lưới quây tròn dưới nước, ba thành viên nhổ các cây chà chuyền cho ba người còn lại để ném ra ngoài. Sau khi đống chà vơi dần, chúng tôi bắt đầu thu hẹp vòng lưới. Đến khi dỡ hết các cây chà, lưới bắt đầu kéo lên, lúc này hàng trăm con cá đủ loại như cá trê, cá mè, cá he, cá ngát, cá rô đồng… nhảy xoi xói, lấp lánh dưới sông. Hấp dẫn nhất là cá tươi khi được kéo lên, chúng tôi được lựa chọn những con to và ngon nhất, sau đó đem chế biến thành nhiều món đặc trưng Nam bộ như kho tộ, nấu canh chua, chiên xù… Những con cá nhỏ hoặc ôm trứng được thả lại thiên nhiên. Điều này vừa thể hiện trách nhiệm khi du lịch sinh thái, vừa làm giảm tác động tới môi trường.
Một chuyến đi nhiều kỷ niệm khó quên
Trong lúc dùng cơm trên tàu, đoàn chúng tôi còn được chiêu đãi bữa tiệc văn nghệ miệt vườn cùng nhiều món ngon khác của miền Tây như bánh da lợn, bánh chuối hấp, bánh bò, sữa hạt sen… Sau khi thưởng thức bữa ăn với các chiến lợi phẩm do chính tay mình bắt được, chúng tôi tiếp tục hành trình tham quan khu vực tái hiện lại sinh hoạt vui chơi truyền thống, gợi nhớ ký ức của mỗi người như làm cốm nổ, đá cá lia thia hay chọi gà ngay tại sân vườn với phần thưởng cho người thắng cuộc là những món quà lưu niệm đáng yêu, đặc trưng của xứ sen hồng Đồng Tháp. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tự tay làm bánh lá mít rồi cùng nhau thưởng thức bánh trong không gian mát rượi của vườn xoài tốt tươi. Không khí náo nhiệt cùng nhiều món ngon và sự mộc mạc của người dân nơi đây khiến chuyến đi thật thú vị, khó quên.
Theo Trần Thị Cẩm Nhi (Wiki Travel)