Nhà cổ Tấn Ký Hội An – Nơi thời gian ngưng đọng ký ức
Nằm khép mình giữa con phố đi bộ sầm uất, căn nhà cổ Tấn Ký trầm mặc phủ màu thời gian. Vệt rêu phong hiện rõ ngay từ lối vào. Hai trăm năm trôi qua, đây là nơi cư ngụ của bảy thế hệ nhà họ Lê. Cái tên Tấn Ký được gia chủ đời thứ hai chọn đặt, với mong muốn làm ăn phát đạt, giàu có. Nhà cổ Tấn Ký Hội An có hai mặt tiền. Một mặt tiền nhìn ra đường Nguyễn Thái Học tấp nập, dành cho việc buôn bán. Mặt sau nhà hướng ra phía sông, để thuận tiện cho việc nhập hàng hóa. Khác với vẻ ngoài có phần xưa cũ, bên trong căn nhà cổ lại tươm tất đến lạ. Mọi thứ được trau chuốt kỹ lưỡng, như thể thời gian nơi đây chưa từng trôi qua. Nhà cổ Tấn Ký phần nào là minh chứng lịch sử cho giai đoạn giao thương phồn thịnh của hiệu buôn Tấn Ký nói riêng và Hội An nói chung.
Kiến trúc tinh xảo, hài hòa
Nhà cổ Tấn Ký gồm nhiều nếp nối với nhau. Nhà có hình ống, không có cửa sổ bên nhưng chẳng hề ngột ngạt nhờ có giếng trời đưa ánh sáng vào nhà, cùng kiến trúc đặc biệt giúp không khí lưu thông đến từng ngóc ngách. Gian chính giữa thiết kế theo triết lý Tam Tài, sử dụng lối “chồng rường giả thủ”. Hai cột gỗ vuông chạm khắc tinh xảo hình con sóc, hòm thư, quả lựu… mang ý nghĩa cát tường. Nhà cổ Tấn Ký Hội An sử dụng những vật liệu quý giá, vì thế nó có thể trường tồn qua hơn 200 năm. Phần lớn căn nhà sử dụng gỗ quý, cùng với đá và gạch lát. Đá có nguồn gốc từ Thanh Hóa, rất chắc chắn nên giúp các cột trụ vững theo giời gian. Gạch lát là gạch Bát Tràng, điều hòa không khí trong căn nhà cổ, đông ấm và hạ mát. Nhìn chung, nhà cổ Tấn Ký ở Hội An mang nhiều nét kiến trúc của Nhật Bản và Trung Hoa. Có thể thấy rõ nét văn hóa Nhật Bản trong hệ thống rường theo quy luật “chồng rường giả thủ”. Hai thanh ngang tượng trưng cho Thiên – Nhân, năm thanh dọc tượng trưng cho năm yếu tố của ngũ hành. Mái hiên vòm cong mang đậm kiến trúc Trung Hoa. Lối kiến trúc của nhà cổ Tấn Ký nói lên mong muốn một đời hòa hợp với thiên nhiên của gia chủ.
Nhà cổ Tấn Ký được ví như “Bảo tàng văn hóa” của HộI An
Nhà cổ Tấn Ký Hội An lưu giữ cả hình hài của thời gian và văn hóa. Nhìn ngắm soi kỹ từng món cổ vật nơi đây, ta lại biết thêm nhiều câu chuyện thú vị. Một trong số đó là chiếc chén Khổng Tử, có một không hai ở Việt Nam. Bên trong chén có bức tượng ông tiên; dưới đáy chén là một cái lỗ nhỏ. Khi cho nước vào dưới 80% thể tích thì nước không chảy ra. Còn khi đổ đầy chén thì tất cả nước đều chảy hết. Món gia bảo của nhà Tấn Ký ẩn chứa triết lý sâu xa của đạo Khổng: “Phàm ở đời, điều gì cũng nên có chừng mực”. Nhà cổ Tấn Ký còn có nhiều hoành phi, liễn đối, trong số đó có nhiều bức tuyệt đẹp như: “Tích đức lưu tôn”, “Tâm thường thái”. Nhưng nổi bật nhất phải kể đến bộ liễn đối “Bách Điểu” chứa đựng tinh hoa. Liễn đối “Bách Điểu” được “vẽ” bằng 100 nét, mỗi nét là một con chim nửa bay nửa không đang nâng cánh lên bầu trời. Cùng với nhiều căn nhà cổ kính rêu phong khác nơi phố Hội, Tấn Ký không chỉ có ý nghĩa lịch sử của tư gia họ Lê, mà còn là một phần ký ức của phố Hội. Thời gian trôi đi, vật đổi sao dời, duy chỉ có những mảng màu văn hóa, lịch sử đó sẽ được truyền lại cho hậu thế mai sau. Qua đôi bàn tay khéo léo của thợ mộc kim bồng nổi tiếng của Quảng Nam, các họa tiết, hoa văn đều mang ý nghĩa triết lý phương đông. (Nguồn ảnh bài viết: Trần Việt Anh)
Theo Trần Thị Cẩm Nhi (Wiki Travel)